Kỹ Năng Viết CV Xin Việc Chuyên Nghiệp
CV xin việc là vũ khí sắc bén thay lời bạn muốn nói để thuyết phục nhà tuyển dụng cho bạn cơ hội phỏng vấn. Vậy làm sao để tạo được một CV xin việc chuyên nghiệp hạ gục được nhà tuyển dụng? Trong bài viết dưới đây, Gia Đình HR sẽ hướng dẫn các bạn kỹ năng viết CV xin việc chuyên nghiệp.
>>> Xem thêm: Kinh nghiệm phỏng vấn: Làm sao để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng?
1. Những điều cần lưu ý khi viết CV
Đừng bao giờ viết một bản lí lịch một cách vội vã. Bạn cần phải tĩnh tâm suy nghĩ cẩn thận và nghiêm túc trước khi đặt bút viết CV xin việc của mình bằng cách soạn thảo trước bản mẫu.Trình bày CV xin việc trong 1 mặt A4 là đủ (vì dài quá sẽ lan man, không trọng tâm, nhà tuyển dụng cũng không có nhiều thời gian đọc CV, tầm 5 -10 phút) nhưng đảm bảo đầy đủ thông tin và trình bày rõ ràng.
CV xin việc nên được viết theo form được cung cấp bởi nhà tuyển dụng: Có những đơn vị đặc thù như ngân hàng sẽ yêu cầu CV xin việc phải tuân theo mẫu mà họ cung cấp, vì vậy nếu bạn không gửi cv theo mẫu thì đã bị loại rồi. Còn nếu đơn vị nào không có mẫu hoặc cho tự do, các bạn có thể viết CV xin việc theo cách mình muốn.
Bạn nên xác định trước mục tiêu nghề nghiệp của mình (mục đích mà mình muốn đạt tới trong sự nghiệp), và nếu có thể, hãy viết chúng ra một cách thật cụ thể. Nhà tuyển dụng cũng rất thích các ứng viên có tư duy mạch lạc và mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng.
Kinh nghiệm, thành tích rõ ràng, có yếu tố định lượng. Khi nói về kinh nghiệm làm việc trước đây, bạn chỉ nên trình bày thật vắn tắt nên nghiên cứu vị trí, mô tả công việc theo yêu cầu tuyển dụng để lựa chọn những kinh nghiệm có liên quan. Tuyệt đối tránh chỉ trích những cơ quan cũ trong bản lí lịch của bạn. Trong trường hợp bạn là người đã trải qua nhiều công việc vụn vặt, khi viết CV xin việc, bạn có thể lược bớt những kinh nghiệm không liên quan đến công việc mà bạn đang tìm kiếm. Trong trường hợp bạn mới ra trường, chưa thực sự trải qua công việc chính thức nào, bạn đừng băn khoăn, e ngại. Hãy tự tin vì các nhà tuyển dụng cũng rất cần sự trung thực, nhiệt tình, ham học hỏi.
Bạn nên chú ý đến hình thức của bản lí lịch bởi nó là cơ sở để tạo dựng ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng. Một bản lí lịch mắc nhiều lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật là điều khó có thể chấp nhận vì nó cho thấy chủ nhân của bản CV này không phải là người cẩn thận, nghiêm túc hoặc không thực sự chú tâm đến tìm kiếm việc làm. Vì vậy khi viết CV, bạn nên sử dụng phông chữ đơn giản, cỡ chữ chuẩn, lề thẳng và cân đối, tránh lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật… để tạo thiện cảm ban đầu với nhà tuyển dụng.
Khi gửi CV đến cơ quan tuyển dụng qua bưu điện hoặc thư điện tử, bạn phải tìm hiểu kỹ để có chính xác tên và địa chỉ người nhận hồ sơ, cũng như vị trí, chức danh của họ. Nên liên lạc qua điện thoại để khẳng định chắc chắn hồ sơ của bạn đã đến đúng địa chỉ cần gửi.
Bạn cần đảm bảo mọi chi tiết được lưu ý trong bản lý lịch có thể được xác nhận chính xác. Bản lý lịch của bạn nên được suy tính kĩ, chính xác, chuyên nghiệp và có thể được coi trọng. Nên giữ thái độ trung thực khi viết CV xin việc. Bạn hãy chỉ khai vào CV xin việc những bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm mà mình thực sự có. Vì hãy nhớ rằng trong thời đại thông tin hiện nay, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tìm kiếm ra mọi thông tin về bạn.
2. Hướng dẫn trình bày và cách viết CV xin việc
Bản CV xin việc thay lời giới thiệu sơ lược về bản thân của bạn với nhà tuyển dụng và quyết định cơ hội có được tấm vé gặp gỡ nhà tuyển dụng ở buổi phỏng vấn. Vì vậy, cần phải có đầy đủ những thông tin quan trọng sau đây
-
Thông tin cá nhân
Họ và tên, ngày sinh, giới tính: Đây là những thông tin cơ bản về bản thân ứng viên không thể thiếu.
Địa chỉ liên hệ: Địa chỉ nơi bạn đang ở hoặc sẽ làm việc. Điều này giúp nhà tuyển dụng có thể phân loại hồ sơ theo khu vực địa lý. Ví dụ: nếu bạn ở Hà Nội mà công ty chỉ tuyển ở Hồ Chí Minh thì nhà tuyển dụng sẽ biết ngay là bạn không phù hợp.
Số điện thoại: Đây là kênh thông tin để nhà tuyển dụng liên hệ bạn, phản hồi kết quả CV xin việc vì vậy cần cung cấp thông tin chính xác. Bạn nên cung cấp số điện thoại bạn dùng chính có thể liên hệ được bạn bất cứ lúc nào.
Email: Địa chỉ email nên đặt tên chuyên nghiệp, hãy dùng những email thể hiện được họ tên của bạn (có thể thêm phần mở rộng về những điều bạn tự hào nhất, muốn giới thiệu đến người khác về bản thân. Đó có thể là lĩnh vực chuyên môn, tên trường đại học, quê hương). Ví dụ: giadinhhr@gmail.com, giadinhhr.hcm@gmail.com, giadinhhr.ldxh@gmail.com,…
Ảnh chân dung: không nhất thiết phải là ảnh hồ sơ xanh trắng đen mà có thể ảnh chụp photoshop, nhưng phải nghiêm túc dễ nhìn, không qua chỉnh sửa làm mất đi tính chân thật.
Lời giới thiệu: Đây không phải là thông tin bắt buộc phải có trong CV xin việc, nhưng với một câu giới thiệu tóm tắt được những đặc điểm nổi bật của bạn sẽ là điểm nhấn thu hút sự chú ý tới nhà tuyển dụng. Đây là một bí quyết nhỏ trong cách viết CV xin việc bạn nên áp dụng.
-
Trình độ học vấn/ Quá trình học tập
Nên trình bày có sự logic theo thứ tự thời gian, từ gần đến xa. Nếu học thạc sĩ, đại học thì viết thạc sĩ trước, đại học sau. Nếu các bạn đang là sinh viên năm 1,2,3,4 chưa tốt nghiệp thì ghi là đại học, nếu cấp 3 học trường chuyên lớp chọn thì viết thêm vào cũng được.
Khi viết quá trình học tập, nên viết theo dạng: Thời gian học – Trường – Ngành – Điểm phẩy hệ 4/hệ 10
Ví dụ: 2016-2020: Đại học Lao động Xã hội (Cơ sở 2) – Quản trị nhân lực – 2,94/4-7,25/10
Ngoài ra, bạn có thể viết điểm các môn chuyên ngành (nếu điểm cao) phù hợp với công việc ứng tuyển để gây ấn tượng. Khi viết về quá trình học tập, các bạn nên viết thêm thành tích trong học tập đạt được ở phía dưới, ví dụ:
+ Thủ khoa tốt nghiệp học hành chính nhân sự online ở đâu tốt
+ Học bổng của trường năm 2017, 2018, 2019 dành cho sinh viên đạt điểm số cao nhất khoa.
+ Học bổng của tập đoàn Samsung năm 2018, Ngân hàng BIDV năm 2019 dành cho sinh viên đạt điểm số cao nhất khoa.
-
Kinh nghiệm làm việc
Giống như quá trình học tập, cũng viết từ gần đến xa. Và nên lựa chọn nêu những kinh nghiệm làm việc có liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Trường hợp bạn đang là sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể kể tất cả các công việc bạn đã làm part-time.
Đối với mỗi vị trí công việc thì nên viết theo dạng: Thời gian làm việc – Công ty – Vị trí làm việc,phòng ban – Công việc đã làm – Kết quả đạt được – Kỹ năng đạt được
Ví dụ: 7-2018-5/2020: Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại- Dịch vụ Hồng Ngọc với chức danh Chuyên viên Nhân sự. Thực hiện việc quản trị nhân sự với quy mô nhân sự 5000 người, đảm bảo quyền và lợi ích người lao động cũng như thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động với người lao động. Theo dõi chấm công, tính lương. Hỗ trợ công tác tuyển dụng nhân sự.
+ Công việc đã làm: nội dung này cần viết chi tiết, vì vị trí việc làm mỗi công ty mỗi khác và kinh nghiệm bạn lĩnh hội được cũng khác nhau. Nên viết tầm 3-4 công việc chi tiết các bạn đã làm mà bạn thấy đáng giá nhất. Và cần cụ thể hóa năng lực của bạn qua những con số để nhà tuyển dụng có thế định lượng được những gì các bạn đã thực sự làm được.
+ Kết quả đạt được: Cũng như công việc đã làm, kết quả công việc cũng cần cụ thể hóa. Đặc biệt đối với những công việc kết quả mang về có thể định lượng được. Phải cụ thể nhà tuyển dụng mới biết công việc của bạn đã đạt kết quả thế nào được.
+ Kỹ năng đạt được: Cuối cùng, bạn có thể liệt kê những gì bạn đã học được gì từ công việc đó hay không. Ví dụ: Kỹ năng lãnh đạo, phân công công việc, kỹ năng giao tiếp,…
-
Mục tiều nghề nghiệp
Đừng viết quá chung chung như: Muốn học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Đó ko phải mục tiêu, đó là nguyện vọng của bạn.
Mục tiêu nghề nghiệp là cái mà bạn hướng đến trong tương lai, ngắn hạn hay dài hạn. Bạn nên xây dựng mục tiêu nghề nghiệp cụ thê, có hệ thống và đặc biệt quan trọng là phải có tính khả thi.
-
Kỹ năng trình bày trong CV xin việc
Kỹ năng trong CV bao gồm các kỹ năng công việc cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của bạn. Các kỹ năng công việc là các kỹ năng mà bạn đã có trong quá trình làm việc, thường là những người đã có kinh nghiệm làm việc sẽ phô diễn nhiều ở phần này.
Nên viết thêm về điểm mạnh, điểm yếu nếu các bạn còn ít kinh nghiệm làm việc để cv đầy đặn hơn. Lời khuyên là điểm yếu đừng nên trung thực quá, hoặc không viết điểm yếu cũng được. Điểm yếu có thể là “Tham công, tiếc việc, luôn dành nhiều thời gian cho công việc”, như thế là điểm yếu hóa điểm mạnh luôn.
Các kỹ năng về ngoại ngữ và các kỹ năng tin học nên cụ thể thành tích như Toeic 800 hay Ielts 7.0 và loại chứng chỉ tin học bạn đang sở hữu. Đừng viết chung chung theo lối truyền thống như “Biết giao tiếp tiếng anh và thành thạo kỹ năng tin học”.
-
Các thông tin giá trị khác
Hoạt động xã hội: Nếu các bạn tham gia hoạt động xã hội với vai trò quan trọng như trưởng phó ban chẳng hạn thì nhà tuyển dụng cũng có thể dựa vào đó để đánh giá kỹ năng bạn đạt được, tương tự như phần kinh nghiệm làm việc. Các bạn viết hoạt động xã hội giống như form của kinh nghiệm làm việc phía trên.
>>> Xem thêm: Nên học hành chính nhân sự ở đâu để có cơ hội việc làm tốt cho người trái ngành
Với mỗi vị trí công việc ứng tuyển bạn cần có một cách viết CV xin việc. Các bạn phải nghiên cứu kỹ về công ty, vị trí tuyển dụng, yêu cầu công việc để viết bản cv phù hợp nhất với các yếu tố đó. Hy vọng bài viết trên có thể cho bạn cái nhìn tổng quát nhất trước khi viết cho mình một CV xin việc chuyên nghiệp.
source https://giadinhhr.com/ky-nang-viet-cv-xin-viec-chuyen-nghiep/
Nhận xét
Đăng nhận xét